Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

006 HỌC TRƯỜNG CHUYÊN -001

Nếu hỏi một học sinh ngoan, giỏi ở Đà nẵng câu hỏi “vào trường chuyên Lê Quý Đôn làm gì?” Thì câu trả lời sẽ là “vào để học thêm kiến thức, để thành một công dân có ích vv…..”. Còn mình, một học sinh hạng xoàng tại một trường cũng hạng xoàng, ở một lớp toàn học sinh cá biệt, bản thân lại thi tốt nghiệp với số điểm vừa đủ để đậu thì mình sẽ trả lời câu hỏi này một cách hiên ngang “Vô cho ngàu”. Mùa hè năm 1992 giấc mơ vô cho ngàu cũng thành hiện thực dù mình chỉ dư đúng 0.25 điểm.

Ngày đầu tiên nhập học, mình tự tin thong thả ngắm nhìn bao quát sân trường, cùi chỏ tựa vào lan can chân đung đưa đôi dép quai sau theo tiếng loa rè văng vẳng từ đâu đấy. Bỗng ánh mắt mình chạm vào ánh mắt trìu mến và thân thương của thầy giám thị, thầy ân cần vẫy mình xuống như muốn căn dặn điều gì đó, mình nghĩ sẽ là điều bổ ích và chắc mẩm sẽ là một cái vỗ về động viên cho các học sinh mới của trường. Mình hăm hở bước xuống, chân sáo bước đầy tự tin như Lượm đang đưa thư. Xuống đến nơi đã thấy 1 hàng đứng thẳng tắp, đầu hàng là một bạn mặt đầy mụn, cằm hình lưỡi cuốc mà sau này mình mới biết đó là bạn Võ Hữu Như Ý lớp chuyên toán A1. Cuối hàng là bạn Phúc, lớp trưởng lớp Lý A2. Đúng với cái tên Phúc có khuôn mặt phúc hậu như quê hương Hội An của bạn ấy. Mình tự động bước vào cuối hàng ngay sau Phúc. Nghĩ là được giao nhiệm vụ gì quan trọng nên cả hàng đứng rất nghiêm chỉnh, ngực ưỡn lên phía trước tay chắp sau lưng như quân nhân chuyên nghiệp. Khí thế lúc đó có thể nói là dời non lấp bể, mười mấy thanh niên như những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô năm nào. Đang mơ màng như những chiến binh bất bại thì cả đám nghe một oạch. Đó là âm thanh của hai bộ phận của cơ thể người, một bên là lòng bàn tay gân guốc hơn 30 năm tuổi và một bên là khuôn mặt mụn có lẽ đã dậy thì xong 15 tuổi. Vâng đó là cái tát, một cái tát nguyên con, bất ngờ, thần tốc và mạnh mẽ. Hình ảnh người thầy ân cần vụt biến mất. Trình độ tát của thầy thực là thượng thừa, nghe cái uỵch đã thấy đủ năm ngón trên khuôn mặt lún phún lông tơ xem kẽ với mụn và nước miếng nhễu ra từ khóe môi. Người đời có câu “Thượng cẳng tay rồi đến hạ cẳng chân” nên vừa tát xong là thầy co cẳng tung cú Đảo sơn cước. Cú đá uy lực tưởng như phá sơn, dốc bể. Cu Ý choáng váng chưa kịp hoàn hồn vì cú đòn tay thì lãnh nguyên một cước vào hông. Chiếc áo trinh nguyên trắng trẻo như tuổi trăng tròn của cu Ý bung tuốt ra ngoài. Bạn Như Ý đã không được Như Ý ngày hôm đó.

Cứ lần lượt như thế, từng đứa một dính đòn mà không dám phản ứng. Thầy tiến dần về cuối hàng cứ như một bộ phim kinh dị quay chậm. Từng đứa, từng đứa ăn đủ một cái tát và một cú đá. Thằng Phúc, đứng cạnh mình nên mình chứng kiến nó rõ nhất. Khuôn mặt trắng trèo của Phúc hằn đỏ nguyên một bàn tay đủ 5 ngón, nhìn rõ hơn còn thấy cả chiếc nhẫn hơi thắt lại ở ngón kế út. Phúc bị tát mạnh đến nỗi văng cả nước miếng vô mặt đứa bên cạnh. Cuối cùng cũng đến mình. Bốn năm đi học ở lớp cấp 2 ở các lớp tiếng Pháp mà ¼ sỉ số học sình là học sinh lưu ban từ lớp trước do hạnh kiểm kém dạy cho mình một bài học là điều đầu tiên không nên để bị đánh nếu né được. Mình ngửa người ra sau như Vương Trùng Dương tránh Hàm Mô Công của Âu Dương Phong xong rồi thối 1 bộ né cú ra cước như Lăng Ba Vi Bộ của Đoàn hoàng gia. Theo phản xạ, tả thủ liền vận Cẩm Nã Di Đại Thủ Pháp, hữu thủ vận Đạn Chỉ Thần Công, Hai tay thủ sẵn nhưng mình còn tình Sư đồ nên không dám mạo phạm. Đánh hụt 2 chiêu, thầy đâu có chịu thua liền đánh bồi một cú nữa, cú đánh bồi của thầy không làm mình nao núng. Tay mình bật lên chắn thái dương bên trái chắn đỡ cú thôi sơn kiều quyền anh. Ra cả 3 đòn đều thất bại, người thầy thân ái của chúng em đứng thở hổn hển, có lẽ lười tập thể dục nên thầy mệt. Thầy đã không biết là mình lâm trận nhiều lần hồi cấp 2 với coi phim chưởng hơi nhiều nên có chút bản lĩnh. Nhìn mình đầy cay đắng thầy cho cả đội giải tán. Mình bước không đau nhưng hoang mang, ngôi trường ước mơ đây ư? Học đường tinh hoa đây ư? Nơi đào tạo nhân tài của tỉnh đây ư? Phía phòng Hội đồng tia năng nhạt vẫn chơi đùa trên dòng chữ "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người"

Không có nhận xét nào: